Mưu sinh giữa giá rét

Khuya khoắt, khi nhiều người đã cuộn tròn trong chăn ấm thì những gánh hàng rong, xe bánh bao, trứng vịt lộn… vẫn chong đèn thức cùng cái lạnh tê buốt.

Những nẻo mưu sinh

Khi đường phố bắt đầu thưa bóng người, những dòng xe cộ thôi tấp nập cũng là lúc công việc mưu sinh của dì Thúy (55 tuổi, bán trứng vịt lộn, ở cầu Vân Dương, phường Xuân Phú) bắt đầu. Đều đặn mỗi ngày, dì ra khỏi nhà vào 19h30 tối và trở về khi ngày mới đã bắt đầu.

2299

Khác ngày thường, hôm nay đa số khách không ngồi ăn tại quán mà mua gói về, rồi hối hả lên xe để tránh cái lạnh đêm đông. Hàng vịt lộn của dì Thúy nằm nép một góc dưới mái hiên cũ trên đường Nguyễn Lộ Trạch, đủ để che mưa nhưng chẳng thể ngăn nổi những cơn gió mùa lạnh cóng. Co người trước cơn gió thốc, dì Thúy bộc bạch: “Ngồi bán ri còn đỡ, chứ những hôm về 1 giờ sáng, gặp trời mưa là lạnh thấu xương. Đúng là vất vả thiệt, nhưng 30 năm nay trừ những hôm ốm đau chứ dì không nghỉ bán bữa nào. Lạnh mấy cũng phải dọn hàng, không bán lấy gì mua gạo”…

Đã gần 11h đêm, tiếng rao bán bánh bao của chú Nhân (45 tuổi, ở Phú Mậu, Phú Vang) trong đêm khuya tịnh mịch nghe rõ mồn một. Dừng chân ở một xóm trọ quen, lấy trong nồi ra những chiếc bánh bao nóng hổi cho một vị khách quen, hơi ấm của những chiếc bánh tỏa ra, khiến nụ cười trên khuôn mặt nhăn nheo của người đàn ông lam lũ ấm áp. Những ngày mưa, lạnh khiến đôi chân chú Nhân vất vả gấp bội, những vòng quay xe đạp nặng nề hơn bởi lạnh nhưng bù lại trời càng mưa lạnh sẽ có nhiều người tìm đến với bánh bao nóng hổi của chú. Theo chú Nhân, trời mưa lạnh mọi người thường lười đi ra ngoài nên chú bán đắt hàng hơn. Cũng chính vì thế, chưa một đêm mưa gió nào chú vắng mặt trên khắp các con phố quen để rao bánh.

Kệ rét, chiếc xe đẩy bán bánh canh dạo của chị Lê Thị Lan (45 tuổi, ở phường Xuân Phú) vẫn rong ruổi dưới ánh đèn vàng của những con phố. Lâu lâu, chị dừng lại để hong đôi tay co rúm vì lạnh trên bếp than hồng. Và ánh mắt bừng lên, cùng nụ cười hiền khi có khách ghé mua hàng. Chồng làm “thợ đụng” hôm có việc hôm không, nên nồi bánh canh của chị Lan là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Tuy vất vả bởi mọi lo toan đè nặng lên đôi vai gầy guộc của người đàn bà tảo tần, nhưng chị vẫn luôn thầm cảm ơn ông trời đã cho sức khỏe và tự hào về những đứa con ngoan. “Cũng nhờ nồi bánh canh ấy 3 đứa con của chị đều được ăn học đến nơi đến chốn. Hai đứa đầu tốt nghiệp cao đẳng và đã có việc làm, còn cô con gái út đang là sinh viên năm 3 của Trường đại học Ngoại ngữ Huế”, chị Lan tâm sự. Cứ thế, những ngày đông giá buốt cũng nhẹ nhàng qua đi cùng những đêm chị trở về nhà khi nồi bánh canh đã cạn.

Chỉ mong đắt hàng

5h sáng, nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 12, 13 độ C, nhưng dưới chân cầu Đông Ba đã thấp thoáng hình ảnh những mệ, những dì lỉnh  kỉnh những bì ốc, rổ rá bắt đầu một ngày làm việc mới, đó cũng là thành quả của một buổi chiều lặn lội, dầm mình trong giá rét.

Bộ áo quần mưa cùng chiếc nón cũ là những dụng cụ được tăng cường để chống rét trong suốt mấy ngày rét đậm, mưa dầm của mệ Phan Gái (80 tuổi, ở Kim Long). 80 tuổi, vẫn phải đi nhặt nhạnh từng con ốc rồi mang đi bán, kiếm tiền nuôi mình, nuôi đứa cháu ngoại đang học lớp 9 (mẹ đi làm ăn xa), mệ Gái chia sẻ: “Lạnh  ri chứ lạnh nữa cũng phải đi, chứ chả ngày nào dám nghỉ, nghỉ thì lấy gì nuôi cháu”.

Để kiếm thêm thu nhập mệ Gái thường thu mua ốc của những người khác rồi đưa đi bán kiếm chênh lệch. Ngày may mắn gặp được nhiều người mua thì mệ được về sớm. Mệ Gái cho biết, mệ sinh được 5 người con, trai có gái có, đều đã thành gia lập thất, không phải các con không nuôi mệ mà vì thấy chúng còn khổ, chật vật “chạy bữa” cho con nên mệ không đành “ăn bám”. Mệ còn sức khỏe nên vẫn ráng kiếm ngày dăm bảy chục đong gạo, mua ít dụng cụ học tập cho đứa cháu ngoại.

Rổ ốc cuối cùng được bán cũng đúng lúc cậu bé Nguyễn Ngọc Minh (cháu ngoại mệ Gái) lóc cốc đạp xe tới đón ngoại. Nhanh tay thu dọn lại rổ rá, bao bì cho ngoại, vừa luôn miệng hỏi xem ngoại đói không, lạnh không. “Mệ thương con, muốn ki cóp thêm tiền mua áo quần, sách vở cho con nên ngày nào ngoại cũng đi bán ốc. Thấy ngoại già mà phải bươn chải nên con cũng cố gắng học và luôn nghe lời để ngoại vui. Ngày đi học, tối con tranh thủ đi dán vàng mã thuê để đỡ đần cho ngoại”, Minh khoe.

Chị Nguyễn Thị Nga (41 tuổi, ở Tổ 14, Hương Sơ, thị xã Hương Trà), bạn “đồng môn” của mệ Gái nhanh nhẩu: Trời lạnh thế này nhưng mệ đi bán sớm lắm, tầm 4h30 là mệ đã có mặt ở đây rồi, mệ có mấy mối quen hay đi thể dục nên tranh thủ đi bán sớm.

Với “thâm niên” hàng chục năm lặn lội cùng con ốc, trải qua những mùa đông rét buốt đầm mình nơi bờ ruộng, con rạch, góc cầu… chị Nga, hay mệ Gái cũng chẳng than vãn, chỉ mong sao bán đắt hàng để tụi nhỏ được những bữa cơm no. Chính những “nghề mọn” đó đã giúp họ kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi dạy con cái nên người, ăn học tới nơi tới chốn.

Trời chưa sáng, những chiếc xe máy chất rau, củ, quả… cao quá đầu người do những bác xe thồ, chị tiểu thương từ chợ đầu mối tấp nập nối đuôi nhau vào thành phố.

Khi thành phố chưa thức giấc, một ngày mưu sinh của họ đã bắt đầu với mong ước giản dị là bán đắt hàng và trời bớt mưa để cái lạnh mùa đông đỡ buốt.

Bác sĩ CK I Dương Vĩnh Hồng, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, BV thị xã Hương Trà:

Giữ ấm, ăn uống đủ chất trong ngày mưa rét kéo dài

Những ngày mưa rét kéo dài, những người thường xuyên đi lại, làm việc trong môi trường ngoài trời cần biết một số biện pháp để bảo vệ sức khỏe. Trước hết, khi bạn đi ra ngoài hoặc đi làm về bị nước mưa làm tê lạnh, vừa kèm theo bụi, vi khuẩn dễ làm bạn dị ứng và nhiễm khuẩn gây cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản. Do vậy khi vừa về nhà việc đầu tiên phải lau khô người. Điều này giúp bạn không tiếp tục mất nhiệt và loại bỏ tác nhân gây dị ứng, gây bệnh.

Tiếp đến làm ấm người bằng cách uống một cốc nước ấm (khoảng 40-50oC) là nước trắng, nước gừng hay nước chè khô hoặc tươi; không nên uống rượu hay bia vì làm giãn mạch tiếp tục mất nhiệt. Bạn có thể ăn thức ăn nóng như cháo, phở, súp, canh… để làm ấm bụng và ấm người; không nên ăn thức ăn nguội vì làm cơ thể mất nhiệt vì phải tiêu hóa thức ăn lạnh này.

Khi nhiễm lạnh do mưa rét nhiều ngày hoặc nhiễm lần đầu nhưng kéo dài bạn có thể bị cảm lạnh. Triệu chứng của cảm lạnh như chảy nước mũi, hắt hơi, nhức đầu, mệt mỏi, nghẹt mũi, đau họng… Bạn có thể giải cảm bằng cách uống nước gừng, xông hơi bằng các loại lá có tinh dầu như sả, bạc hà, ăn cháo nóng có thịt, cá có nhiều hành… Bạn cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, súc họng nhiều lần trong ngày bằng nước muối ấm hoặc uống nước chanh ấm pha với mật ong để làm dịu chỗ họng bị viêm và giảm ho; nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý để làm giảm xung huyết mũi… Cần giữ ấm cơ thể bằng áo quần, khăn quàng cổ, đội mũ; ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để giúp cơ thể chống rét tốt hơn. Đặc biệt, không nên bỏ bữa sáng vì bị đói cơ thể sẽ kém chịu đựng rét và ướt. Có chế độ vận động, tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe và chịu đựng lạnh. Nếu bị nhiễm lạnh dẫn dến cảm sốt, ho kéo dài, viêm phổi, phế quản với triệu chứng như da lạnh tái, mất phối hợp vận động, mệt mỏi thì cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

 

 

 

Zalo: 0922955333
Chat Messenger
Hotline: 0922.955.333