Sông Hương – báu vật của du lịch Huế

Sông Hương là quà tặng vô giá mà tạo hóa đã dành riêng cho Huế, là yếu tố có tính quyết định để người xưa chọn Huế làm kinh đô, là nơi hội tụ của cảnh quan và di sản văn hóa Huế. Chính những điều đó, UNESCO đã từng gợi ý Thừa Thiên Huế nên lập hồ sơ đề nghị công nhận sông Hương và cảnh quan đôi bờ là di sản văn hóa thế giới để bảo tồn và phát triển bền vững.

Dòng sông nhân văn

Theo TS.KTS Ngô Đức Doãn, sông Hồng với thành phố Hà Nội là dòng sông chảy bên cạnh thành phố, được sử dụng thiên về chức năng là chính, không đóng vai trò cảnh quan đô thị, thậm chí thành phố này còn quay lưng và gián cách với dòng sông. Sông Cấm với thành phố Hải Phòng, dòng sông chảy qua phía bên thành phố, có mối liên hệ với đô thị này rất mờ nhạt. Sông Hàn với thành phố Đà Nẵng là dòng sông chảy dọc theo thành phố và có những giá trị nhất định về cảnh quan. Thành phố hướng ra sông nhưng mang tính chế ngự, áp đặt; mối quan hệ với dòng sông chủ yếu vì những lợi ích thương mại của sông cho thành phố. Sông Sài Gòn với TP Hồ Chí Minh điển hình cho mối liên kết lỏng lẻo, liên kết từng phần. Dòng sông ít được chú ý để tạo cảnh quan cho đô thị này. Trong khi sông Hương có các vai trò đặc biệt đối với đô thị Huế như giữ vai trò bản lề trong không gian chuyển nối kiến trúc giữa hai bờ Bắc, Nam của thành phố, tạo nên tính thiên nhiên thơ mộng và độc đáo cho Huế mà không một đô thị nào có được; ngoài các chức năng thông thường là phục vụ thành phố tiêu nước, đi lại… nó còn có vai trò cảnh quan. Những giá trị mà sông Hương mang lại cho thành phố là tính sinh động, hài hòa của một đô thị với cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng du lịch.

Sông Hương đoạn qua TP Huế. Ảnh:Hiền An

Từ thượng nguồn đến hạ lưu, từ đôi bờ cho đến lòng sông… bất cứ ở đâu, dòng sông cũng có những huyền thoại đáng nghe, những cảnh quan đáng ngắm và những di sản đáng đến để tham quan. Ngay lòng sông cũng là một bảo tàng cổ vật gắn với dòng chảy lịch sử không ngừng của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế mà nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã sưu tầm được một bộ sưu tập cổ vật gồm nhiều thứ từ đồ gốm, kim loại, cho đến đồ đá có tuổi đời từ hàng trăm đến hàng vạn năm. Điều đó cho thấy, dòng chảy văn hóa sông Hương phát triển một cách tuần tự, kéo dài hàng ngàn năm không bị đứt đoạn…

Sông Hương còn có giá trị rất đặc biệt đối với Huế bởi đại đa số cảnh quan, kiến trúc và di sản văn hóa nổi tiếng của vùng đất cố đô mà du khách thường ghé thăm mỗi lần đến Huế đều hội tụ ở sông Hương và hai bên bờ sông. Từ những công trình kiến trúc cung đình như kinh thành, lăng tẩm, đến những công trình tín ngưỡng, tôn giáo như chùa chiền, chánh điện, cho đến các công trình văn hóa, giáo dục, công sở, phố thị, bảo tàng, làng nghề, những con đường và công viên đẹp nhất ở Huế… đều được xây dựng dọc theo hai bờ sông. Riêng trong số 16 điểm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới tháng 12-1993 có đến 14 điểm di tích nằm dọc hai bên bờ sông, có thể tiếp cận bằng thuyền một cách thuận tiện, gồm: Kinh thành, Hoàng thành, Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Dục Đức, Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Khải Định, Văn Miếu, Chùa Thiên Mụ, Hổ Quyền, Điện Hòn Chén, và Trấn Bình Đài.

Sông Hương. Ảnh: Ngọc Thảo

Nhiều công trình kiến trúc khác có giá trị, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất cố đô cũng được xây dựng dọc hai bờ sông như Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Võ Miếu, Trường Quốc Học, Trường Hai Bà Trưng, chợ Đông Ba, phố cổ Gia Hội, Bao Vinh, cầu Trường Tiền, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Huế, nhà trưng bày Lê Bá Đảng… Sông Hương còn là sân khấu, là môi trường để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể của Huế như Nhã nhạc cung đình và ca Huế. Sông Hương cũng là không gian văn hóa để tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật lớn của các Festival Huế, là nơi hẹn hò, níu kéo nhiều thế hệ người Huế và du khách thập phương trở lại với cố đô, là nơi diễn ra các sự kiện giao lưu văn hóa quốc gia và quốc tế. Đó là những lý do UNESCO đã từng gợi ý tỉnh Thừa Thiên Huế nên lập hồ sơ đề nghị công nhận sông Hương và cảnh quan đôi bờ là di sản văn hóa thế giới để bảo tồn và phát triển bền vững.

Xương sống của du lịch Huế

Hầu hết các di sản văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc đặc trưng, các điểm tham quan nổi tiếng, những cảnh quan thơ mộng… của vùng đất cố đô Huế đều tọa lạc ở không gian văn hóa sông Hương, nơi mà du khách dễ dàng tiếp cận bằng thuyền du lịch hay bằng các phương tiện khác. Có lẽ do nước là một yếu tố quan trọng trong thuật phong thủy phương Đông và thuyền, bè là phương tiện đi lại chủ yếu trước đây nên các thế hệ tiền nhân đã chọn sông Hương là trục chính để thiết kế và bài trí đô thị. Không những thế, sông Hương là nơi diễn ra các lễ hội lớn ở Huế như lễ hội Điện Hòn Chén, lễ Phật đản, lễ hội Quán Thế Âm, hội vật làng Sình và nhiều chương trình nghệ thuật của Festival Huế, đồng thời là không gian cho Nhã nhạc cung đình Huế và ca Huế được bảo tồn và phát triển… Điều đó cho thấy, sông Hương có một vị trí rất đặc biệt đối với đời sống văn hóa, tâm linh cũng như sự phát triển của du lịch Huế.

 

 

Công Ty TNHH MTV Dịch Vụ Vệ Sinh Không Gian Sạch

Trụ sở chính: Lô 6, Khu quy hoạch Tùng Thiện Vương, Phường Vĩ Dạ, Tp Huế

Hotline: 0932.572.499

Email : dichvuvesinhcongnghiephue@gmail.com

Website :Vesinhcongnghiephue.Com 

Zalo: 0922955333
Chat Messenger
Hotline: 0922.955.333